Thế giới start up đâu phải toàn hoa hồng như người ta nói

“9x bỏ học, mở chuỗi nhà hàng kiếm 5 tỷ/tháng” – Ai cũng lên báo với kiểu na ná thế này đây

Khi nghĩ về thế giới startup, hình ảnh gì nhảy ra trong đầu bạn? Nếu phải trả lời câu hỏi này một cách chân thật nhất, câu trả lời của tôi là: startup không khác gì mấy với showbiz (thế giới giải trí), có startup ngôi sao, có những nhân vật hạng A, những sự kiện thảm đỏ, những tin tức giật gân, những lời đồn,… Đôi khi bạn biết thế nào không? Đôi khi thật quá nhiều những phù phiếm ở trong thế giới ấy.

Nếu đã mô tả thế giới ấy bằng từ phù phiếm thì cũng cần biết chính xác rằng nó có phù phiếm thật hay không để gọi là phù phiếm. Vì vậy, tôi đã tìm nghĩa của từ phù phiếm trước để chắc chắn rằng tôi tiếp cận đúng vấn đề.
May quá, tôi nghĩ mình đã chọn tính từ đúng với những gì mà tôi sẽ sắp nói ra đây. Những điều mà không phải ai cũng nói tới, những sự thật mà không phải ai cũng muốn đối diện. Tôi cũng biết rằng: Một nửa sự thật thì không phải là sự thật, nghĩa là điều tôi nói không phải toàn bộ, nó có thể chỉ một phần, nhưng không thể phủ nhận rằng nó đang diễn ra hằng ngày hằng giờ, xung quanh bạn. Và đây, thế giới startup ấy phù phiếm, không thực tế như nào thế nào?

Ngày làm 8 tiếng, tối về mở shop online bán quần áo thì được gọi là startup?!

Wow, thật không biết nói làm sao với điều này. Nếu trước đây, 1 thập niên đầu tiên của năm 2000, việc mở shop bán quần áo được gọi là tự kinh doanh, tự làm chủ, thì cho đến thời điểm hiện tại miễn bạn tự làm chủ một cái gì đó thì sẽ được gọi là startup. Chưa nói đến chuyện tại sao có sự thay đổi như thế này, nhưng có hai thứ cần rất rõ khi nói về khái niệm startup.

Thứ nhất, khái niệm này bản thân vẫn còn đang được thảo luận bởi rất nhiều ý kiến đưa ra. Nhưng mở shop online là mở shop online, còn startup sẽ là startup, khái niệm đó không nên đánh đồng nhau. Tại sao không dùng từ khởi nghiệp? Chậc, từ khởi nghiệp thì thực ra nghĩa nó rộng hơn: khởi sự hay bắt đầu một cái gì đó cho riêng mình thì đều là khởi nghiệp. Bài viết cụ thể bàn về khái niệm khởi nghiệp bạn có thể xem tại Business Insider, nhưng tôi tâm đắc nhất với khái niệm từ Warby Parker: “Một Startup là một công ty làm việc để giải quyết một vấn đề mà giải pháp có thể không rõ ràng và thành công cũng không đảm bảo.”

Hãy chú ý tới cụm từ “để giải quyết một vấn đề”. Đó chính là sự khác biệt giữa startup và một shop quần áo. Đó chính là sự khác biệt của Uber và các hãng xe taxi.

Thứ hai, nghĩ tới startup người ta sẽ nói về founder, nói tới người mở công ty, mở ra một cái gì đó. Không, không, không. Startup còn nhiều hơn thế, là cả một hệ sinh thái với nào là nhà đầu tư, các chương trình vườn ươm, co-working space, kĩ sư – nhà khoa học, … cũng đều là trong thế giới startup ấy.

Vậy nên, nếu nói rằng: tôi đang làm startup, thì không có nghĩa tôi là ông founder, có khi tôi làm việc cho startup ấy thôi, hoặc thậm chí tôi làm việc cho tổ chức chính phủ với các chương trình hỗ trợ cho Startup thì vẫn là làm startup nhé.

“9x bỏ học, mở chuỗi nhà hàng kiếm 5 tỷ/tháng” – Ai cũng lên báo với kiểu na ná thế này đây

Bạn có thấy tiêu đề này quen thuộc không? Nếu chưa quên thì còn có tiêu đề khác cho bạn đây: Chàng trai bỏ kinh doanh gia đình triệu đô để startup kiểu “Google Việt Nam kiếm 10 tỷ. Tự hồi nào trên các trang báo đã có chuyên mục “Khởi nghiệp”, mà chuyên mục ấy sẽ viết về “người bình thường làm chuyện phi thường” hoặc “người phi thường làm chuyện phi thường hơn”. Cần lưu ý ở đây rằng đây không là tất cả những gì các chuyên mục viết. Nhưng bạn biết đấy, những tin tức bài viết nghiêm túc quá lại có thế ít người đọc hơn là viết về những “chuyện phi thường”.

Quay trở lại với chủ đề phù phiếm tôi đã nói ở trên. Đối với tôi và đối với nhiều người nó không thật và càng không mang lại giá trị gì. Hôm nay anh 9x này lên, hôm sau có 8x nọ lên, như những làn sóng của những tin tức giật gân, người ta nói trong 1 ngày đó, qua ngày hôm sau đã nói về người khác. Người ta quên mất cái công ty ấy là gì. Quên sạch. Chỉ còn lại nỗi sung sướng râm ran của “nhân vật” khi được bạn bè chúc tụng, khi được lên báo rần rần.

Tôi nhớ đến câu nói của Alan Phan: “Người mới giàu thì thường hay khoe của”. Lên báo không xấu, lên báo không đáng bị lên án. Chỉ là “tại anh tại ả, tại cả đôi đường”. Báo thì cần nhiều người đọc nên chỉ cập chộp được câu chuyện nghe có vẻ “phi thường” sẽ làm cho phi thường. Còn ai đó trong chúng ta cũng chắc chắn có đôi lần muốn nổi tiếng chớ, muốn săn đón chớ. Người tỉnh táo luôn biết những bài báo ấy không thật. Thôi, coi như nó vô hại đi. Nhưng còn người trong cuộc có khi lại như một đứa trẻ, sợ sự kì vọng của cha mẹ, xã hội, bị nghỉ học, nhưng vẫn phải xách cặp ra đường mỗi ngày để làm cha mẹ vui.

Những người trẻ và ước mơ về thế giới Startup

Tại sao tôi nói những “nhân vật phi thường” ấy là không có thật? Vì tôi gặp được nhân viên của họ. Những con người rất trẻ, những con người mà tôi hay gọi là “ngơ ngơ”. Vì các em trẻ, nên các em chẳng biết gì cả. Ở đâu đó người ta vẫn nói rằng người trẻ nên tìm kiếm cơ hội để thử sức mình và mới có kinh nghiệm tích lũy cho mai sau. Cái các em thấy rằng: ôi, ông ấy lên báo kìa, ôi bên đó làm cái này cái kia hoành tráng chưa (chỉ thấy qua facebook event),… thế là các em chọn chỗ làm ấy với mức lương khủng: vài trăm ngàn (lâu lâu một lần). Không sao, đi làm không lương khi chưa có kinh nghiệm thì âu đó cũng là một lí lẽ công bằng. Nhưng điều tôi ngạc nhiên nhất đó chính là các em không được chỉ dạy một tí nào, chỉ tự bơi.

Thôi không sao, lớn rồi thì tự bơi đi cũng chẳng sao. Không ai có trách nhiệm dạy ai giữa cuộc đời này trừ thầy cô, cha mẹ chúng ta. À, còn sếp nữa (đúng không nhỉ). Điều làm tôi phải ôm đầu là chính các em đang làm trong startup nhưng chưa có một bài học vỡ lòng gì về nó. Vẫn là kiểu mở shop bán quần áo cũng là startup thôi.

Tôi đặt vấn đề dạy dỗ lên hàng đầu vì bởi bạn biết đấy, làm startup không như làm công ty to đã có quy trình dây chuyền ai làm việc nấy, mỗi người nhân viên là “thợ đụng” – đụng đâu làm đó. Ông founder ông lớn rồi, ông làm việc muôn phương muôn nơi, nên ông tự quản lý bản thân được. Nhưng ông hãy nhớ những công ty to đã dạy ông điều gì và để cho các em những điều đó, để các em được như ông.

Có 03 điều nho nhỏ ông founder cần làm cho các em rằng: (1) Có một cái on-boarding đàng hoàng – huấn luyện nhân viên trước khi vào làm – ngắn cũng được – nhưng nó giúp ông nhiều đấy. (2) Cho người ta cái career roadmap – vẽ cho các em là các em đang làm gì, các em đang đứng ở đâu, và nếu theo cái này có thể lên đâu. Còn không ấy, đời các em rồi sẽ nát, xong cả Việt Nam này sao cứ bảo là không có nhân sự cao, chất lượng. Do các ông mà ra cả thôi. (3) Trung thực, trung thực và trung thực. Đừng nói về điều không tưởng, đừng nói những thứ hoa mỹ thu hút. Hãy nói sự thật, sự thật về thế giới này và dẫu có đau lòng cũng được. Nhưng cái đứa mà nó nghe xong thế mà nó vẫn đi theo ông thì nó mới ở lại với các ông lâu.

Người ta vẫn bảo đời là mơ. Nên chắc vì thế nên nó có nhiều phù phiếm chăng? Nhưng đó chỉ là cách nói văn chương. Còn ở đời này, những gì không có thật thì chẳng bao giờ tồn tại lâu được. Và những gì phù phiếm rồi sẽ tan biến mất.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *